“Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?” là tập sách mới nhất của Đỗ Nhật Nam vừa do Công ty sách Thái Hà ấn hành. Sách của Nam có những phần như “Lớp một ơi, lớp một”; “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”; “Tin tớ đi! Học tiếng Anh vui lắm”…; phần cuối là 15 bài luận bằng tiếng Anh, mà chủ đề của nó cũng đủ là một thách thức ngay cả khi ta viết bằng tiếng Việt như “Sự cần thiết của lời nói dối vô hại”; “Thế nào là một nhà lãnh đạo tài năng?”, “Tấm vé tuyệt vời để đến với thành công”… Trong tập sách thú vị này Nam “tự bạch” những nỗ lực của mình:
“Tớ bắt đầu học khi tớ 5 tuổi, tức là hè năm 2007, tớ chuẩn bị vào lớp 1. Khi ấy, mẹ tớ phát hiện ra rằng có một số bạn bằng tuổi tớ như bạn Trang này, bạn Hà này và bạn Quỳnh Phương nữa ở gần nhà tớ đã đi học Tiếng Anh ở trung tâm Master Mind gần nhà được nửa năm rồi. Thế là mẹ tớ ngay lập tức cũng muốn tớ đi học (mẹ tớ hay nghe ngóng tình hình xung quanh như thế lắm…hi…hi…). Đến trung tâm, mọi người xếp tớ vào một lớp học mới toe, toàn các bạn bằng tớ hoặc bé hơn tớ. Nhưng tớ lại muốn vào lớp mà các bạn cùng xóm đang học cơ. Thế là tớ nằng nặc đòi mẹ tớ xin chuyển lớp. Nhưng các bạn ấy thì đã học được nhiều rồi. Vậy mà tớ vẫn không đồng ý sang lớp mới. Tớ rất quyết tâm. Buổi đầu tiên vào lớp, quả là “choáng”. Các bạn ấy đã nói được khá nhiều. Tham gia trò chơi bằng tiếng Anh cũng rất nhanh, rất tự tin, lại còn thuộc bao nhiêu bài hát tiếng Anh nữa chứ. Tớ ngồi co ro một chỗ, cô phải động viên mãi mới lên chơi cùng nhưng tất nhiên là rất lóng ngóng. Tớ mất tự tin đến nỗi, khi thấy mẹ đứng đón ở cửa tớ đã muốn khóc òa lên. Mẹ dịu dàng hỏi tớ về buổi học nhưng tớ chẳng nói được câu nào. Đi đường về, mẹ gợi ý cho tớ xem có nên chuyển lớp không. Nhưng thú thực, tớ không muốn học với các em nhỏ, vả lại đã hẹn là học cùng với bạn Trang, Phương, Hà rồi, không thể thất hứa được nên tớ cương quyết lắc đầu. Mẹ tớ bảo: “Nếu con cảm thấy không thể theo được thì đừng cố, nhưng mẹ nghĩ nếu con tích cực tự học ở nhà thì vẫn có thể đuổi kịp các bạn”. Câu nói của mẹ tớ làm tớ tin tưởng hẳn. Thế là về nhà, tớ ôn ngay những từ vừa học trên lớp, có sự giúp đỡ của mẹ tớ nữa.
Thế nhưng đến buổi học thứ hai, tớ lại mất hết ý chí, chẳng muốn đi học nữa. Bỗng nhiên mẹ tớ đề nghị: “Hôm nay mẹ sẽ xin phép cô giáo để vào học cùng với con”. Tớ rất ngạc nhiên nhưng rồi hai mẹ con cũng dắt tay vào lớp. Buổi học hôm ấy tớ đã quen hơn với lớp, lại có mẹ ngồi cạnh nên tự tin hơn. Nhưng mẹ tớ không tham gia mà chỉ ngồi lặng lẽ quan sát và thỉnh thoảng nhìn tớ cười cười. Sau buổi học, mẹ tớ nói: “Mẹ con ta sẽ cùng học ở nhà”. Tớ nhớ ở lớp học hôm đó, tớ học về những từ chỉ màu sắc, về nhà, mẹ tớ tổ chức các trò chơi với màu sắc để tớ có thể nhớ được từ. Ví dụ, mẹ cho tớ cầm một nắm bút chì, ban đầu mẹ nhắm mắt và rút ra một cái, mẹ tớ sẽ được hỏi trong ba câu tất nhiên là bằng tiếng Anh để tớ trả lời về màu của bút chì đó, rồi phải nói được đó là màu gì. Ví dụ, mẹ tớ có thể hỏi: “Is it pink”? tớ trả lời “No, it is not”; “Is it red”? “No, it is not”… và cuối cùng có thể sẽ là: “it is green”! Sau đó lại đến lượt tớ nhắm mắt. Tớ thấy học vui ơi là vui, chẳng mấy chốc tớ đã thuộc lòng các màu, và còn biết đặt câu hỏi, câu trả lời nữa chứ. Thuộc được màu rồi, những lúc ngoài giờ học mẹ vẫn thỉnh thoảng hỏi tớ khi nhìn thấy bất kì một đồ vật nào đó. Cứ thế, những buổi học sau, cứ trên lớp học gì là về mẹ lại cho tớ chơi trò chơi hoặc hát về những gì đã học. Bố tớ cũng rất ủng hộ tớ trong việc học ngoại ngữ nên mua cho tớ một cái đài rất xinh, đặt ở đầu giường, tối nào đi ngủ cũng nghe, khi là bài học ở lớp, khi thì bài hát tiếng Anh, tớ ngủ trong những giấc mơ rất đẹp, trong mơ tớ thấy tớ nói tiếng Anh rất giỏi và đi giữa những người bạn nước ngoài. Hi… hi, các bạn thấy tớ mơ có hay không? Và kết quả là kết thúc khóa học tiếng Anh đầu tiên của lớp học, cô giáo tổng kết điểm để chọn bạn có điểm cao nhất sẽ được học bổng của trung tâm. Các bạn có đoán được người được học bổng đó là ai không? Là tớ đấy. Các bạn cùng lớp cứ là nhìn tớ phục lăn (tớ nghĩ thế) vì dù sao tớ cũng là người vào sau cùng mà. Không chỉ có thế, đến lúc này, tớ đã có thể nói được rất nhiều những câu giao tiếp thông thường, tớ lại còn biết đọc và viết tất cả những từ đã học, chứ không như ở lớp cô chỉ dạy chúng tớ nhớ từ thôi mà chưa dạy viết vì trong lớp hầu như các bạn chưa đi học.
Đến lúc này, thú thực tớ lại thấy lớp học cũ hơi hơi dễ. Tớ nói điều này với mẹ, mẹ tớ bảo: Để thay đổi không khí, mẹ cho tớ đi học ở Apolo, có cả chuyên gia nước ngoài dạy. Lúc đó là tháng 6 năm 2007, mẹ và bác tớ dẫn tớ đến trung tâm. Phải nói là tớ thích ngay từ đầu vì có máy lạnh, có cả cầu thang máy nữa. Các cô nhân viên thì rất dịu dàng và xinh đẹp. Lại một phiền toái nữa là tớ chưa biết viết nhiều nên các cô lại chỉ cho tớ học trình độ đầu tiên, starter A nhưng tớ cương quyết không học mà muốn vào học lớp starter B, tức là học cùng với những bạn đã trải qua 9 đến 12 tháng học trình độ A. Các cô đồng ý với điều kiện, nếu học mấy buổi mà giáo viên phụ trách lớp nói tớ không thể theo được, tớ sẽ phải chuyển xuống lớp A. Quả thực lớp mới làm tớ rất ngỡ ngàng, có cả những anh chị đã học lớp 5. Khó khăn nhất trong những buổi đầu của tớ là việc viết, chưa kịp học viết tiếng Việt, tớ đã phải viết những câu dài ngoằng bằng tiếng Anh, làm bài tập nữa. Nhưng tớ rất thích. Mẹ và bố lúc nào cũng động viên. Các cô giáo phụ trách người Việt Nam và cả cô giáo người nước ngoài cũng thường xuyên quan tâm đến tớ hơn một chút vì tớ nhỏ nhất lớp. Sau 3 tháng học, qua một kì thi, tớ lại dẫn đầu lớp với chứng chỉ loại Xuất sắc (Certificate of Excellent achievement). Tớ vui lắm, vui nhất với lời nhận xét của cô giáo nước ngoài mà tớ tạm dịch: Tuy là học sinh nhỏ nhất lớp nhưng Nam luôn tỏ ra là một học sinh mẫu mực với cách phát âm tuyệt vời và vốn từ vựng phong phú. Tôi rất yêu tinh thần học tập của em. Thế đấy, các ấy ơi, các ấy thấy chưa nào, mình hoàn toàn có thể vượt qua được khó khăn nếu mình cố gắng phải không? (Câu này tớ học của bố tớ)”.
Thật là thú vị với giọng văn trẻ con của Nam, mà qua đó chúng ta lại rút ra được những điều cần thiết. Với nhiều người, thành tích của Nam có thể khẳng định Nam là “thần đồng” hay không? Ý kiến của nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Xin thưa, không. Cháu chỉ là một cháu bé bình thường (và có thông minh hơn một số trẻ em khác). Để có Nhật Nam như ngày hôm nay, bố mẹ cháu đã rất biết “thai giáo” cháu. Bố mẹ Nhật Nam đã áp dụng rất tốt những gì đã được viết ra trong những cuốn sách của bộ “Phương án 0 tuổi” và “Dạy trẻ thông minh sớm” hay “Dạy trẻ biết đọc sớm”. Thực ra hiện nay tôi cũng đang theo dõi và giúp đỡ hơn chục cháu nhỏ trước 7 tuổi và thấy kết quả của việc áp dụng giáo dục trẻ thông minh sớm rất tốt. Phương pháp nuôi dạy của cha mẹ ngay từ khi mang thai và tinh thần hiếu học, sự quyết tâm của chính con trẻ là bí quyết để có Nhật Nam của ngày hôm nay”.
P.K